Nhà thơ Lâm Vị Thủy & cuộc đời khốn đọa sau 1975

Lâm Vị Thủy
Lâm Vị Thủy

Nhà thơ Lâm Vị Thủy sinh ngày 28 tháng 4 năm 1937 tại Nam Ðịnh. Ông vào Nam từ năm 1955, là giáo sư Việt văn tại một số trường tư thục ở Sài Gòn như Âu Lạc, Văn Lang, Chân Phước Liêm, Phước An.

Là thành viên trong nhóm Tao Ðàn Bạch Nga, hầu hết những sáng tác của ông được đăng trên Tạp chí Phổ Thông. Ông làm thơ rất ít, thỉnh thoảng viết truyện ngắn.

Lâm Vị Thủy kết hôn lần thứ nhất năm 1960 và có ba người con, hai trai một gái với người vợ đầu. Năm 1972 nhà thơ lập gia đình lần thứ hai có thêm hai người con một gái một trai.

Sau năm 1975 ông bị giam giữ một thời gian trong khám Chí Hòa. Ra tù ông tiếp tục dạy văn tại một số trường Trung học tại Sài Gòn và sinh sống cùng gia đình gần ngôi trường Phước An nơi ông từng dạy học khi xưa.

Lâm Vị Thủy qua đời ngày 21 tháng 7 năm 2002 ở vùng Thị Nghè.

Tác phẩm đã xuất bản

– Sao em không về làm chim thành phố (thơ, Huyền Trân xuất bản, 1963)

– Ngày tháng không tên (truyện, xuất bản những năm cuối thập niên 1960)

Cũng như bao nhà thơ nhà văn của Miền Nam, sau 1975 Lâm Vị Thủy cũng đã trải qua một giai đoạn khốn đốn, không thấy có ngày mai. Tài liệu còn giữ được qua lưu trữ của Trần Hoài Thư cho chúng ta biết:

Hầu hết những sáng tác của Lâm Vị Thủy xuất hiện trên tạp chí Phổ Thông. Bài thơ nổi tiếng được truyền tụng nhất của ông là bài “Tuần của tình yêu”, được đăng trên Phổ Thông số 120 ngày 1-2-1964. Trên mạng, bài thơ này đổi thành “Hình như kỷ niệm”. Không biết lý do tại sao và phải chọn tựa nào cho đúng.

Sau 1975, ông trải qua một thời gian bị tù trong khám Chí Hòa. Trong cuốn Hồi ký Khám Chí Hòa, tác giả Vĩnh Khanh cho biết Lâm Vị Thủy là người rất thông suốt về khoa Tử Vi.  Tác giả đã kể lại chuyện ông được nhà thơ Lâm Vị Thủy truyền dạy tử vi như thế nào qua cái ống nước khi hai người ở hai phòng giam không hề thấy mặt nhau… Khi được hỏi về cuộc sống của nhà thơ Lâm Vị Thủy sau khi ở tù ra, thì tác giả Hồi Ký cho biết như sau:

“… Sau khi ra tù Chí Hòa, tôi có tìm đến địa chỉ ở Hóc Môn Bà Ðiểm mà ông đã cho khi còn trong tù để thăm ông. Nhà của ông lúc đó không còn nữa, ông xin tá túc trong một gia đình hàng xóm. Khi tôi đến thì ông không có nhà. Trong khi ngồi chờ ông, hai vợ chồng chủ nhà có cho tôi biết thêm về hoàn cảnh của ông. Sau khi ông ra tù, nhà cửa không còn, người thân cũng không còn ai. Ông không còn chỗ tá túc nào nên đến xin ở nhờ gia đình này, với lời hứa sau khi tìm được việc làm sẽ trả tiền thuê nhà sau. Tuy nhiên ông không thể tìm được một việc làm nào ổn định cả. Mỗi ngày ông đi lang thang khắp nơi tìm bạn hữu hoặc người quen nào đó khả dĩ có thể giúp cho ông được một chút ít tiền bạc, hoặc việc làm lặt vặt… cứ thế lây lất qua ngày. Qua lời nói của hai vợ chồng chủ nhà lúc bấy giờ, tôi nhận xét thấy họ không còn hoan nghênh ông nữa, chỉ muốn ông có thể tìm được một chỗ nào khác và rời khỏi nhà họ càng sớm càng tốt để họ khỏi phải vướng bận!

“Tôi nghe chuyện này từ hai vợ chồng chủ nhà mà thấy buồn vô cùng. Ngồi được một lúc thì ông về. Ông rất mừng khi gặp lại tôi, tuy nhiên cũng rất ái ngại khi ở trong một hoàn cảnh như thế . Tôi hiểu ý nên mời ông đi ra ngoài ăn sáng. Tôi còn nhớ chúng tôi đã ăn cơm tấm buổi sáng hôm đó. Ông nói với nụ cười thật buồn khi chủ quán mang hai dĩa cơm tấm đặt trên bàn: “Anh biết không? Từ khi ra tù đến nay, đây là bữa ăn sáng thịnh soạn nhất của tôi!”. Câu nói đã làm tôi xúc động rất nhiều. Một người tài hoa như thi sĩ Lâm Vị Thủy lại có lúc sa vào một cảnh ngộ thê thảm như thế. Lúc đó tôi không mang theo tiền nhiều trong người nên chỉ có thể gởi cho ông một ít.

Tôi hẹn với ông mấy hôm sau gặp lại để biếu ông thêm. Lần thứ hai tôi gặp ông ở quán Xuân Lạc Viên, gần cổng xe lửa số 6, Phú Nhuận. Tôi biếu ông thêm một số tiền và có cho ông biết là tôi sắp đi vượt biên. Từ đó tôi không gặp ông nữa.” (trích email trả lời)

Từ đó tôi không gặp ông nữa. Cánh cửa thế gian đã tàn bạo đóng ầm lại, quay mặt phũ phàng dù người ấy là một giáo sư nổi tiếng có rất nhiều học trò và một nhà thơ được nhiều người mến mộ!

Giờ đây chỉ biết cậy vào Google để may ra còn được gặp ông. Mà Google cũng chịu thua.

Nếu Google có giúp chăng thì chỉ một giòng ngắn ngủi trong truyện ngắn của Hoa Hoàng Lan: “Sợi tóc bạc”, theo đó, tác giả cho biết giáo sư Lâm Vị Thủy đã qua đời trong đói nghèo, bệnh tật và túng bấn (nguyên văn).

Ðó là số phận của một nhà giáo và nhà thơ có tài dưới chế độ Cộng sản.

Tuần của tình yêu

CHỦ NHẬT

Buổi sáng trời mưa tôi trở dậy

Soi mặt mình bằng phiến gương đen

Chợt thấy hình em sầu đóng bụi

Nỗi đau này em nghe chăng em?

THỨ HAI

Thành phố chừng như quên giấc ngủ

Tôi đi không kỷ niệm che đầu

Không em làm ấm vòng tay lạnh

Không cả ngày chưa quen biết nhau

THỨ BA

Tôi dẫn tôi vào trong lớp học

Mây lên màu trắng áo thiên thần

Bàn tay e ấp trên trang sách

Trông dáng ai mà thương cố nhân

THỨ TƯ

Sao em không là em thuở ấy

Ðể mỗi chiều tôi đón cổng trường

Ðường xưa còn dấu chân em đấy

Gót nhỏ giờ vui mộng viễn phương

THỨ NĂM –

Nghìn thu còn mưa bay mãi đây

Xa nhau không một ánh trăng gầy

Nửa đêm nghe tiếng xe về vội

Tôi đốt đèn lên ngồi ngắm tay

THỨ SÁU –

Ôi tình yêu đã về hay chưa

Còn đây từng tháng đợi năm chờ

Còn đây một nét môi cười đó

Em vuột tầm tay tôi bơ vơ

THỨ BẢY –

Người yêu, người yêu, người yêu ơi

Mùa thu, mùa thu, mùa thu rồi

Hồn tôi muốn khóc làm sao dỗ

Em của người ta, tôi của tôi.

Lâm Vị Thủy

NGUYỄN & BẠN HỮU

(theo Blog Trần Hoài Thư)

http://baotreonline.com/nha-tho-lam-vi-thuy-cuoc-doi-khon-doa-sau-1975/

One thought on “Nhà thơ Lâm Vị Thủy & cuộc đời khốn đọa sau 1975

  1. Xin cam on các quy vi da dua len day bai tho va cuộc doi cua giao su Lam Vi Thuy . Toi la một học sinh cua Thay 1972 o Saigon. Toi da khg co liền lạc voi Thay tu khi khg con học lớp Van cua Thay nhung van nho mai giong noi em ai va Gượng mat nghiem nghi cua Thay. Tiếc rang khg con co the gặp lai Thay . Thoi gian khg the tro lai chi ước gi lúc thay con song o Sg , lúc do con gặp lai Thay thi Thay con khg phai đen doi kho so nhu vay. Thật thật biết on quy vi da giúp toi biết được tin tin tuc ve Thay Lam Vi Thuy. Xuantran.

    Like

Leave a comment