GERALD EMIL KOSH VÀ HẢI CHIẾN HOÀNG SA – Thềm Sơn Hà  

Trích đăng từ trang nhà http://themsonha.blogspot.com/

(trích trong “Sự Thật Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974” tái bản năm 2022)

 Thềm Sơn Hà  

Sau trận hải chiến Hoàng Sa (HS), báo chí Hoa Kỳ (HK) đặt rất nhiều câu hỏi với Bộ Quốc phòng (BQP) và Bộ Ngoại giao (BNG) HK về trường hợp của nhân vật người Mỹ, phục vụ cho cơ  quan DAO tại tòa Tổng Lãnh sự HK ở Đà Nẵng, tên ông ta là Gerald Emil Kosh.

Thời gian gần đây, tại hải ngoại, một vài dư luận cho là Mỹ đã dàn dựng chuyện Kosh để bán đứng HS cho Trung Cộng.

Viết về trận hải chiến HS như lọt vào trận hỏa mù, nếu chỉ dựa vào ký ức chủ quan của một vài nhân chứng để đi đến kết luận thì thật là thiếu sót.

Bài viết “Kế hoạch cưỡng chiếm Hoàng Sa của Trung Cộng” trên www.hqvnch.net vào tháng 9 năm 2011, trong phần “Nhiệm vụ của Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16” tác giả đã chứng minh là nhiệm vụ của HQ 16 chỉ đơn giản là chở toán Công binh ra HS để nghiên cứu về việc khả thi để xây phi đạo trên đảo, đồng thời Kosh cũng có mặt trên chuyến tàu này.

Và thật sự, nếu không có tài liệu rất quan trọng về cuộc phỏng vấn Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ-Thoại do Trung tâm Hải sử HK thực hiện trong tháng 9-1975 tại Hoa Kỳ [1], thì rất khó thuyết phục dư luận muốn thổi phồng chuyến đi của Kosh để biện luận về lý do mất HS theo chủ hướng của mình.

Trong bài viết này, tác giả hy vọng sẽ trình bày một cách đầy đủ sự thật về G. Kosh.         
           
TIỂU SỬ  [2]           
– Sanh ngày: 25 tháng 10-1946 tại Lafayette Hill, Philadelphia.

– Nhập ngũ: 31 tháng 8-1965 – Xuất ngũ: 13 tháng 9-1966.

– Tái ngũ:    14 tháng 9-1966  – Xuất ngũ: 31 tháng 8-1969.

Trong thời gian tại ngũ, ông đã học qua các khóa huấn luyện về Lực lượng Đặc biệt, Nhảy dù, Biệt động quân và Tình báo. Nhiều kinh nghiệm tác chiến khi chỉ huy toán thám sát.                                                                               Ông đủ khả năng làm phóng viên quân đội.

Mang cấp bậc Đại úy trong Lực lượng Đặc biệt, phục vụ hai năm ở Việt Nam (2 lần qua Việt Nam). Theo báo New York Times 24 tháng 1-1974, Kosh được ân thưởng huy chương Anh dũng Bội tinh với ngôi sao đồng (Bronze Star) và Chiến thương Bội tinh (Purple Heart).

Giải ngũ với cấp bậc Đại úy, ông làm việc cho cơ quan DAO (Defense Attaché Office) tại tòa Tổng Lãnh sự HK ở Đà Nẵng với chức vụ Viên chức Liên lạc Vùng Chiến thuật (RLO:Regional Liaison Officer) từ ngày 10 tháng 12-1973 (có tất cả 12 RLO trong 4 vùng chiến thuật).    
– chấm dứt nhiệm vụ ngày 01 tháng 8-1975.
– 17 tháng 3-1977, được phỏng vấn việc làm với Bộ Ngoại giao tại Washington, trong thời gian này người phối ngẫu của Kosh là Jo Anne đang là thơ ký tại TĐS/HK Tel Aviv, Do Thái. (Không tìm được tài liệu Kosh đã được nhận vào làm việc trong BNG/HK).

– Kosh cư ngụ 17 năm ở Las Vegas và làm nghề thợ dây điện.                    
– Kosh mất ngày 29 tháng 10-2002, tại Las Vegas để lại vợ là Susan Kosh, 1 người con gái và 1 người con trai (báo Las Vegas Review Journal, Tuesday ngày 29 tháng 10-2002.)

Theo tài liệu Bộ Cựu Chiến binh HK, Kosh mất ngày 27 tháng 10-2002.    
           


KOSH và HOÀNG SA       
chiều 14 tháng 1, Kosh và toán Công binh do Thiếu tá Hồng hướng dẫn xuống HQ 16.

15 tháng 1, khoảng 10 gìờ sáng lên đảo Hoàng Sa.

16 tháng 1, khoảng 1 giờ trưa.trở về HQ 16.

18 tháng 1, khoảng 5 giờ 25’ từ HQ 16 chuyển qua HQ 5, khoảng 9 giờ đêm, sau khi được Đại tá Ngạc hỏi ý, Kosh muốn trở lại đảo và Đại tá Ngạc ra lịnh đưa Kosh và toán Công binh trở lên đảo Hoàng Sa.

20 tháng 1, bị TC bắt làm tù binh

23 tháng 1 Arthur Hummel, Jr. Phó Phụ tá NT, đề nghị  Kissinger nên cấp tốc gặp Han Hsu xử lý thường vụ Trưởng phòng liên lạc TC ở Washington về trường hợp của Kosh.

Kissinger chấp thuận và ngay buổi chiều gặp Han Hsu, viên chức này giả vờ ngạc nhiên khi biết Kosh có mặt trong số tù binh.      
Kissinger yêu cầu xác nhận, ông ta trả lời là chưa biết được thực hư như thế nào.

Và khi Kissinger yêu cầu Han Hsu có thể cố gắng xác định điều này.

Han Hsu đáp lại là chúng tôi sẽ xem lại sự việc như thế nào [2].

Trong cùng ngày, báo The New York Times tiết lộ TĐS/HK ở Sài Gòn xác nhận người Mỹ mất tích ngoài Hoàng Sa là Gerald Emil Kosh 27 tuổi, nhân viên dân sự của TĐS/HK/Phòng Tùy viên Quốc phòng được chỉ định là viên chức liên lạc với Hải quân VNCH.
24 tháng 1, HK hứa là sẽ dồn mọi nỗ lực để tìm Kosh cùng lúc thông báo cho TĐS/HK/SG là Ngoại trưởng Kissinger đã tiếp xúc với đại diện TC và đã thúc giục họ nhanh chóng thả tất cả tù binh.    BNG/HK cho phép TĐS thông báo tin này đến TT Thiệu nhưng yêu cầu ông tuyệt đối giữ kín. (điện thư số 015391 ngày 24-01-1974)

25 tháng 1, lần đầu tiên BNG/HK họp báo xác nhận là đã tiếp xúc với TC và được biết chắc chắn là      Kosh đang ở trong tay TC.

27 tháng 1, TC tuyên bố là họ sẽ thả từng đợt 48 người Việt và một người Mỹ đã bị bắt trong trận chiến xảy ra gần đây ở quần đảo Hoàng Sa.     
Đợt đầu tiên được thả gồm có Gerald Kosh mà TC cho là bị bịnh viêm gan và 5 người Việt bị thương.

Họ sẽ được bàn giao cho các giới chức Hồng thập tự tại biên giới Hồng Kông vào ngày 31 tháng 1.
TC không cho biết chừng nào sẽ thả các tù binh còn lại [3].

29 tháng 1, Bộ Ngoại giao TC triệu tập Anderson Trưởng phòng liên lạc HK ở Bắc Kinh đến trụ sở      BNG để thông báo là Gerald Kosh sẽ được thả gần biên giới TC và Kowloon (Shamchun) trong ngày Thứ Năm tuần này. TC nói là Kosh bị bịnh viêm gan cấp tính ngay khi bị bắt và đã được giới y khoa TC chữa trị. Hội Hồng thập tự TC đã thông báo cho hội Hồng thập tự Mỹ và yêu cầu họ tiếp nhận Kosh ở biên giới. Viên chức tại BNG/TC Cheng Chi Hung đã nhấn mạnh với Anderson là “quần đảo Hoàng Sa luôn luôn được công nhận là lãnh thổ của Trung Quốc, và sự hiện diện của Kosh trên đảo đã vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Bà Cheng hy vọng phía HK sẽ “lưu ý đến sự kiện này để tránh tái diễn trong tương lai.” [4]             
Trong cùng ngày, chánh quyền Hồng Kông cho biết là họ mong muốn tù binh Mỹ và Việt Nam rời Hồng Kông càng sớm càng tốt và tránh công khai. Dự trù trực thăng của Anh có Bác sĩ tháp tùng chở Kosh và 5 người Việt Nam từ biên giới Lôi Vũ (Lowu) đến phi trường Kaitak.      
Sau đó, ngay lập tức sẽ có máy bay do HK và Việt Nam cung cấp chở những người này đến nơi cuối cùng. Trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt sẽ dùng xe cứu thương thay thế trực thăng.         
– 31 tháng 1, TC thả Kosh và 5 tù binh VN tại Hồng Kông. Kosh được phi cơ C-9 loại tải thương đưa    thẳng về căn cứ Không quân Clark (Phi Luật Tân) cùng ngày và sau đó đưa ngay vào bịnh viện để khám tổng quát và chửa trị bịnh viêm gan.

Theo nguồn tin từ AP thì khi xuống phi trường Clark, Kosh không cạo râu, nói với các viên chức là anh ta yếu và mệt. Nhưng anh tự đi bộ từ phi cơ đến xe bus cứu thương chở anh vô bịnh viện trong căn cứ.

Các phóng viên không được tiếp xúc với Kosh từ khi được thả ra ở Hồng Kông cho đến khi về căn cứ Clark. Bác sĩ thuộc không quân HK tháp tùng Kosh từ Hồng Kông; suốt chuyến bay Kosh ở trong tình trạng tinh thần sảng khoái và nói chuyện với phi hành đoàn cùng các nhân viên y tế trên chuyến bay C-9 Nightingale.

– 31 tháng 1, Đại sứ Martin sau khi được tin Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng (BQP) và Cơ quan Thông tin HK (USIA) không muốn Kosh trở lại làm việc với cơ quan DAO tại VN, ông đã góp ý là nếu tình trạng sức khỏe cho phép, nên cho Kosh trở lại Saigon theo ý muốn của anh ấy. 
Ông còn cho là “Sự hiện diện của Kosh ở Hoàng Sa hoàn toàn là một tai nạn của không gian và thời gian, và chúng ta không có bất cứ điều gì để xin lỗi.” [5]   
– 6 tháng 2, Phát ngôn viên Hải quân/HK cho biết Kosh đã trở về Mỹ hôm Chủ nhật 3 tháng 2, bị bịnh viêm gan nhẹ nhưng hoàn toàn bị cô lập để quan sát tại căn cứ hải quân ở Philadalphia lâu hơn là vài ngày.

– 13 tháng 2, Kosh được chuyển về quân y viện ở Philadelphia, bác sĩ hy vọng Kosh sẽ được xuất viện    trong vòng 2 tuần. 

Trong cùng ngày, NT Kissinger đồng ý với ĐS Martin, đề nghị BQP/HK cho Kosh trở lại VN như ý        muốn.
             
KOSH BỊ BẮT LÀM TÙ BINH

Ngày 20 tháng 1, TC đổ bộ chiếm Hoàng Sa, Kosh và tất cả những người trên đảo bị bắt làm tù binh. Sau đây là đoạn do anh kể lại:

“Rõ ràng là TC đã biết anh có mặt trên đảo (có lẽ TC đã bắt được tần số liên lạc truyền tin giữa các chiến hạm do đó đã biết trước sự hiện diện của anh trên đảo). Sau khi bị bắt, TC nhốt anh trong một căn trại có lính gác qua đêm. Kosh đã bị buộc tay, bị bắt qùy gối với hai tay để lên đầu.


Lúc 03:30H ngày 21 tháng 1, chỉ một mình Kosh được đưa xuống tàu tuần di chuyển đến nơi khác. Trong lúc xuống tàu, Kosh ghi nhận hình bóng 18 chiến hạm TC trong vùng. Kosh ở trên tàu di chuyển trong khu vực nhóm Nguyệt Thiềm 45 phút, từ đó Kosh được chuyển qua tàu khác lớn hơn. Sau 8 tiếng trên tàu, Kosh đến nơi mà anh nghĩ là đảo Hải Nam, tại đây anh bị tra hỏi và bị tát tai.**


Trong thời gian xuống tàu di chuyển từ Hoàng Sa đến Phú Lâm và từ Phú Lâm đến Hải Nam lúc nào cũng có 3 hoặc 4 lính canh bên cạnh, bị bịt mắt từ trong phòng khi được dẫn qua một tàu khác và bị cấm ra khỏi phòng, khi viện cớ muốn đi tiểu. Kosh được đưa cho cái xô ở trên sàn để tiểu vô đó.

18:30H chiều ngày 21 tháng 1, từ phi trường không rõ tên, Kosh rời Hải Nam, phi cơ bay theo hướng bắc. Sau 1 giờ bay, phi cơ đáp xuống phi trường thứ nhì cũng không rõ tên khoảng 15 phút để lấy thêm người. Kosh hỏi người hành khách khác vị trí của phi trường và họ trả lời đây là phi trường Peking. *** Phi cơ rời phi trường bay về hướng tây, sau 90 phút, đáp xuống nơi đến sau cùng là Quảng Châu (Canton hay Guangzhou).

Sau khi được đưa đến trại tù binh ở Quảng Châu, Kosh đã bị tra hỏi trong 4 tiếng đồng hồ, trong thời gian này Kosh đã bị những người thẩm vấn tát tai hai lần.**

Kosh được khám sức khỏe tổng quát vào sáng 23 tháng 1 và theo lời Bác sĩ đề nghị Kosh được đưa vô nhà thương.  

Trong thời gian từ 22 đến 30 tháng 1-1974, hàng ngày trong nhà thương, Kosh bị thẩm vấn ngắn hạn 3 lần, lần thẩm vấn vào buổi trưa là phần tuyên truyền chánh trị.Trong mỗi lần thẩm vấn TC luôn biện minh hành động của mình ở Hoàng Sa bằng cách nói là họ chỉ lấy lại phần thuộc về họ. Kosh hỏi ngược lại về chuyện Đài Loan. TC trả lời là Đài Loan cũng thuộc về họ và họ sẽ lấy lại trong tương lai gần.TC sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để tra hỏi, có lúc tử tế thân thiện, lúc hung hăng dọa nạt (good guy/bad guy). Kosh mô tả các cuộc thẩm vấn này như là hình thức tuyên truyền.
Về phần điều trị, hàng ngày Kosh được cho uống 500 cc chất đường (glucose) và được chích sinh tố B.

Kosh rời Quảng Châu lúc 06:30H ngày 31 tháng1 trên chuyến xe lửa hiện đại, mất khoàng gần 2 giờ mới đến biên giới. Trong chuyến đi, Kosh quan sát thấy rất nhiều hố cá nhân, hầm trú ẩn và lính gác có vũ trang tại các vị trí chiến lược.

Không khi nào Kosh được yêu cầu ký tên vào bất cứ bản văn nào, ngoại trừ giấy kê khai vật dụng cá nhân. Kosh viết tên anh vào giấy biên nhận này.

Các viên chức thẩm vấn HK nhận xét Kosh có thái độ rất hợp tác và trả lời lưu loát. Đôi khi có một vài nhầm lẫn nhỏ trong lời khai của Kosh; điều này có lẽ là do sự tập trung tinh thần, cố nhớ lại những gì Kosh đã thấy và nghe. Không có trang bị quân sự đáng kể, các sự kiện, tiết mục …. được ghi nhận khác hơn những gì đã báo cáo. Không có chứng cớ cho thấy Kosh bị ngược đãi một cách quá đáng trong thời gian bị giam giữ. Nhìn chung, Kosh được đối xử tốt so với tình trạng của anh [6].  

BÁO CHÍ MỸ VIẾT VỀ KOSH  
Chicago Daily News, 22 tháng 1:   
 “Sĩ quan quân lực VNCH cho biết người Mỹ đã ở chung với toán bốn người thuộc đài khí tượng Sài Gòn trên đảo Cam Tuyền …”

– Reuters, ngày 22 tháng 1:   
“Ngày hôm nay, nguồn tin ngoại giao cho biết người Mỹ đã ra đó vào tuần trước với mục đích bề ngoài là quan sát trạm thời tiết trên đảo Hoàng Sa …”  
 – UPI, ngày 23 tháng 1:        
“Ông ở trên chiến hạm VNCH  thi hành chuyến công tác kiểm tra thường xuyên ngoài Hoàng Sa.”

 – New York Times, ngày 23 tháng 1:

 “Các viên chức ở đây không rõ về công việc của ông Kosh. Họ nói rằng họ không biết một cách chính xác ông và các viên chức liên lạc khác có nhiệm vụ quan sát điều gì  …”
– Wall Street Journal, ngày 22 tháng 1:         
“Nhà khí tượng Hoa Kỳ ở đài khí tượng trên một đảo trong quần đảo Hoàng Sa đã được báo cáo mất tích.”
– Philadelphia Inquirer, 26 tháng 1:   
“G. Kosh, cựu Đại úy Lực lượng Đặc biệt ở Việt Nam đã được bổ nhiệm như là quan sát viên cho Hải quân VNCH ở Đà Nẵng.”

CHÁNH PHỦ HOA KỲ VÀ GERALD E. KOSH         
1
.- Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn có biết trước chuyến đi của Kosh?

Câu trả lời chính xác là tòa Tổng Lãnh sự /HK ở Đà Nẵng biết, nhưng TĐS/HK ở Sài Gòn thì không.

Bài phỏng vấn về Kosh và ĐĐ Thoại trả lời thắc mắc của Đại tá Kiểm đã xác nhận:  

“… một người Mỹ làm việc cho chánh phủ Mỹ xin quá giang theo tàu trong một công tác liên lạc cũng như sự hiện diện của sĩ quan công binh thuộc QL/VNCH đi nghiên cứu địa thế trên đảo HS không có gì quan trọng để bắt buộc phải báo cáo về Saigon.”

Tình trạng của Kosh và các quân nhân VNCH trên ba đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền và Vĩnh Lạc có lẽ đã được Đại tá Ngạc báo cáo khi HQ 5 trở về Đà Nẵng, sau đó V1DH đã thông báo cho Tổng Lãnh sự HK tại Đà Nẵng và nơi đây tường trình về TĐS/HK/Sài Gòn.

2.- HK chính thức nói về Kosh từ khi nào?

– 00:43H ngày 20/01/1974: BNG/HK gởi điện văn đến tòa Bạch Ốc báo cáo đụng độ đã xảy ra ở Hoàng Sa “tình hình phức tạp do báo cáo sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa (chánh phủ VN chiếm đóng) của nhân viên dân sự Hoa Kỳ thuộc cơ quan DAO Hoa Kỳ văn phòng ở Đà Nẵng. BNG không biết tại sao anh ở đó …BNG đang cố gắng lấy thêm tin tức gồm cả tin về tình trạng của công dân Hoa Kỳ.”

Điện văn này sau đó được gởi đến TĐS/HK/Sài Gòn lúc 02:22H ngày 20/01.

– 02:24H ngày 20/01/1974: chỉ 2 phút sau BNG/HK gởi tiếp đến TĐS/HK điện văn: “ BNG đoán là trong thời điểm này, TĐS đang dùng tất cả các biện pháp khả thi để đảm bảo sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc đem viên chức Mỹ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa và BNG cần bản báo cáo sớm nhất về trường hợp hiện diện của người này ở nơi đó vào khoảnh khắc không thuận lợi nhất này.” 
              Lúc này, tình hình ngoài Hoàng Sa vẫn yên tĩnh, do vậy HK vẫn còn hy vọng là HQ 11 và 3 Tuần duyên đĩnh tăng phái có thể mang Kosh về lại Đà Nẵng.

11:53H ngày 20/01/1974: sau khi đã được Tòa Lãnh sự /HK tại Đà Nẵng báo cáo, Đại sứ Martin gởi ngay điện văn về BNG/HK: “ sự hiện diện của Kosh chắc chắn không phải ngẫu nhiên, nhưng là sự chấp nhận lời mời từ chánh phủ Việt Nam để quan sát trên chuyến tuần tiễu thường lệ là bằng chứng thuyết phục chứng tỏ không phải Việt Nam Cộng hòa hay chánh phủ Hoa Kỳ đã dự đoán khả năng hành động của Trung Cộng.”

– 12:55H ngày 20/01/1974: khoàng một giờ sau đó, BNG/HK đã chuyển điện thư nêu trên đến tòa Bạch Ốc và đồng thời thông báo khẩn đến tòa Đại sứ HK tại Beirut (trong thời gian này Kissinger đang ở Trung Đông).

– 12:05H ngày 20/01/1974: Đại sứ Martin báo cáo về BNG/HK là ông mới vừa được tin là phi cơ TC đang dội bom và tàu TC đang pháo kích đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Hoàng Sa.

– 14:05H ngày 20/01/1974: Đại sứ Martin gởi điện thư cho Tướng Brent Scowcroft thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia HK (NSC- National Security Council):

“Tin sau cùng cho biết lính TC đổ bộ lên đảo Hoàng Sa. Thật là không may, Chỉ huy trưởng lực lượng hải quân VN vì cố gắng tránh sự can dự hoặc nguy hiểm cho nhân viên dân sự HK Gerald Kosh – người đã tháp tùng toán công binh để nghiên cứu về việc có thể xây một phi đạo ở Hoàng Sa – đã di chuyển Kosh khỏi tàu, đưa lên đảo Hoàng Sa, ở đó Kosh được xem như là tránh khỏi hiểm nguy.

Ngay bây giờ chiến hạm VN đã rút lui, có lẽ hầu như chắc chắn là những người bạn ta còn ở lại, gồm có Kosh sẽ bị TC bắt làm tù binh. Ông có thể cứu xét việc thông báo cho TC về sự hiện diện của Kosh, nhấn mạnh một cách rõ ràng là Kosh đã không có mặt ở đó nếu chánh phủ HK có bất cứ khái niệm nào là có khả năng chiến tranh, và đề nghị là sẽ có lợi cho cả TC và chánh phủ HK nếu có thể tìm ra cách trả anh ta về một cách kín đáo.

Sẽ không bị tiết lộ từ TĐS, nhưng BNG đã đề cập đến sự hiện diện của anh ta trong các điện thư gần đây, chúng ta phải dự đoán có thể bị lộ ở nơi khác.”

– 22:30H ngày 20/01/1974: Ngoại trưởng Vương Văn Bắc nhờ Đại sứ Martin chuyển lời yêu cầu chánh phủ HK liên lạc Bắc kinh để yêu cầu TC đồng ý với đề nghị hưu chiến trong 48 giờ của VNCH. Thời gian hưu chiến này dùng để di tản những người chết và bị thương ở Hoàng Sa.

Đại sứ Martin đề nghị BNG/HK đồng ý vì luôn tiện đem Kosh trở về một cách lặng lẽ.

Trong điện văn gởi về NSC, Đại sứ Martin viết: “dĩ nhiên, chúng ta không biết là những người đã bị bắt còn ở trên đảo Hoàng Sa hay đã được mang về đảo Hải Nam hay trong lục địa.”       
 (điện văn số 0587 ngày 21 tháng 01-1974).

                  Phát ngôn viên TĐS/HK ở Sài Gòn cho biết Kosh không phải Cố vấn nhưng là  “liên lạc viên” để quan sát cách sử dụng dụng cụ, thi hành nhiệm vụ và sự hữu hiệu của quân lực VNCH. Phát ngôn viên nói Kosh là cựu Đại úy Lực lượng Đặc biệt đi theo chiến hạm VN ra Hoàng Sa do lời mời của Chỉ huy trưởng hải quân địa phương. Chiến hạm đụng độ lực lượng hải quân TC và Kosh được đưa lên bờ cho an toàn. Sáng ngày hôm sau, phi cơ Mig và lính TC tấn công đảo và từ đó không nghe tin tức gì về Kosh  (điện văn số 088359 R242255Z JAN74 BNG gởi TĐS/HK).                                           

NHẬN XÉT 
Qua dẫn chứng phần trên và qua đoạn phỏng vấn Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ-Thoại nói về Kosh, vai trò của Kosh trong trận hải chiến Hoàng Sa đã được xác định.   
Nếu cho là Kosh được giao phó nhiệm vụ bí mật, vậy nhiệm vụ đó là gì?    
Và nếu đúng như thế thì Kosh đã thi hành xong nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo, tại sao Kosh bị chấm dứt nhiệm vụ trong tháng 8/1975? Tại sao Kosh không được nhận vào làm việc cho TĐS/HK ở Do Thái đến nỗi trong khoảng 17 năm sau cùng phải dời qua Las Vegas làm thợ dây điện?


Về phía TC, nếu có thỏa thuận ngầm, dĩ nhiên TC phải là người chịu ơn HK, nhất là Kissinger.
Và đối với Kosh, việc làm đầu tiên là TC phải chăm sóc, ưu đãi, sau đó họ phải liên lạc ngay với HK cho biết tình trạng Kosh và tiếp theo sẽ cho biết ngày giờ thả Kosh.


Trái lại Kosh đã bị ngược đãi từ khi bị bắt, TC đối xử với Kosh còn tệ hơn tù binh Việt Nam.      
Trong ngày 23-01, khi gặp Kissinger ở Washington, quyền Trưởng phòng liên lạc TC vẫn chưa chịu xác nhận là Kosh đã bị bắt làm tù binh? Ông ta còn giả vờ ngạc nhiên tại sao lại có người mang quốc tịch Mỹ có mặt tại khu vực và tại thời điểm đặc biệt.

Vấn đề Kosh bị TC bắt ở Hoàng Sa là vấn đề mà chánh phủ HK không bao giờ muốn xảy ra, nhất là sau hiệp định Paris, Mỹ không còn giữ vai trò cố vấn trong quân lực VNCH.

Trong thời gian này, báo chí đang chỉa mũi dùi vào vụ Watergate, và nay thêm vụ Kosh ra HS trùng hợp với trận hải chiến và chánh phủ HK cho đến ngày 23 tháng 1 vẫn chưa xác định tình trạng của Kosh.
Dĩ nhiên báo chí và nhất là đảng Dân chủ sẽ lợi dụng để khai thác và đặt ra nhiều giả thuyết bất lợi cho chánh phủ Nixon là đã vi phạm hiệp định Paris. 
Chuyện HK quan tâm và lo lắng nhiều về Kosh là điều dĩ nhiên, vì một khi Kosh được thả báo chí sẽ       ngưng bàn vòng vo.         
Chính vì vậy, mặc dù rất bận rộn trong vấn đề Trung Đông, Kissinger đã đồng ý với đề nghị của thuộc cấp, tức thời gọi Đại sứ TC đến Bộ Ngoại giao.

• Kissinger: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có một cuộc họp ngắn gọn để bàn về hai vấn đề. Một là vấn đề quần đảo Hoàng Sa, và hai là chuyến đi Trung Đông của tôi. Để tôi nói về điều không vui trước. Tôi đánh cá là ông nghĩ bây giờ tôi sẽ nói về Trung Đông, nhưng tôi sẽ đánh lừa ông.

Chỉ có hai điểm tôi đưa ra liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.  Chính phủ Nam Việt đang đưa ra một số điều trần (kiến nghị) đến các tổ chức quốc tế, đến Tổ chức các quốc gia vùng Đông nam Á SEATO cũng như tại Liên hiệp quốc. Chúng tôi muốn cho ông biết chúng tôi không liên hệ đến các kiến nghị đó. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến các tù nhân, và chúng tôi ghi nhận chính phủ ông đã biểu lộ là các tù nhân sẽ được thả vào một thời điểm thích hợp. Chúng tôi muốn yêu cầu thời điểm thích hợp này sẽ xảy ra rất sớm, đặc biệt là khi có một người Mỹ trong nhóm đó. Và điều đó chắc chắn sẽ xoa dịu tình hình  như Hoa Kỳ quan tâm. Đó thực sự là tất cả tôi muốn nói về vấn đề đó.”

(Kissinger quay sang ông Arthur Hummel):  Art, ông có gì muốn nói thêm?

• Hummel: Vì lý do chính trị trong nước, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi đã liên lạc về người Mỹ này.

• Kissinger: Chúng tôi sẽ nói rằng nó chỉ để đáp ứng với các câu hỏi.          
(Winston Lord nhắc Kissinger là có một số câu hỏi về tình trạng chính xác của người Mỹ.)

• Đại sứ Han: Tôi muốn nói một vài lời về vấn đề này. Trước hết, chúng tôi gọi là quần đảo Hsi Sha vì đó là lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi nói rõ trong các bản tuyên ngôn của chúng tôi rằng chúng tôi là một nước xã hội chủ nghĩa; chúng tôi không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ nước khác, nhưng chúng tôi không để nước khác xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi.

• Kissinger: Điều đó không đúng sự thật đối với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa.

• Đại sứ Han: Chúng tôi đã luôn nói là chúng tôi sẽ không tấn công nếu chúng tôi không bị tấn công, nhưng nếu chúng tôi bị tấn công bởi những nước khác, chúng tôi sẽ phản công. Vì vậy, những gì chúng tôi nói là rõ ràng.

Còn khi nào các tù nhân sẽ được thả, tuyên bố của chúng tôi đã nói là vào một thời điểm thích hợp họ sẽ được thả. Đó là tuyên bố của Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, như là một nhận xét cá nhân, tôi chỉ muốn bày tỏ sự ngạc nhiên là sao lại có thể có một công dân Mỹ tại khu vực đặc biệt vào một thời điểm đặc biệt. Chúng tôi không biết các tình huống hiện thời – là ông đã có ở đó hay không hoặc liệu ông có bị bắt hay không.

• Kissinger: Ông không ở đó trên bất kỳ nền tảng lâu dài; ông ấy đã có mặt ở đó theo yêu cầu của người Việt Nam có liên quan tới một số nhiệm vụ kỹ thuật tạm thời, điều này chính xác bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đó là một giai đoạn yên ổn. Ông định chỉ ở lại một ngày hay như vậy (lâu hơn), rất ngắn, sau đó ông thấy mình bị bắt. Không người Mỹ nào có mặt thường trực hoặc ngay cả tạm thời trên các quần đảo này. Đây là một sự việc đáng tiếc.”

• Đại sứ Han: về việc ông có bị bắt làm tù binh hay không, chúng tôi không biết được.

• Kissinger: Ông có thể cố gắng để khẳng định điều này cho chúng tôi?

• Đại sứ Han: Chúng tôi sẽ xem tình huống như thế nào?

• Kissinger: Chúng tôi cảm kích rất nhiều. HK không có lập trường trong việc ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của VNCH đối với các đảo này. Tôi cũng muốn làm cho rõ điều này.

Qua đoạn đối đáp trên, có thể hiểu lý do vì sao TC vẫn còn mập mờ về tình trạng của Kosh. Vì thế Kosh lại bị đem ra thẩm vấn lần thứ hai, lần này Kosh vẫn cứng đầu trả lời anh không phải là cố vấn và anh đã bị điều tra viên tát tai 2 cái.   
Có lẽ thấy không thể khai thác được gì hơn và có thể tin là Kosh đã khai sự thật nên sau đó TC đã sắp xếp trả tự do cho Kosh.       
Điểm cần nhấn mạnh nơi đây là trong buổi tiếp xúc này Kissinger đã nhấn mạnh: “Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến các tù nhân, và chúng tôi ghi nhận chính phủ ông đã biểu lộ là các tù nhân sẽ được thả vào một thời điểm thích hợp.”  

Ngày 31 tháng 1, Kosh và 5 người Việt Nam đã được TC thả tại biên giới Hong Kong-Kowloon.

      
—————————————————————————————————————————–
* Trong câu trả lời UBHS trang 351, ĐĐ Thoại cho là: “Ông Kosh đi theo tàu HQ để ra Hoàng Sa là do lời xin của ông Gerald Scott, Lãnh sự Mỹ thân với tôi lúc bấy giờ. Việc gởi ông Kosh đi với mục đích gì thì tôi không nhớ rõ.” [7]       
**Trần Kim Diệp trong bài: “Bên lề trận hải chiến Hoàng-Sa.”_Bản tin Tình Đại dương khóa 17 SQHQ Nha Trang tháng 7-2004, qua lời kể của Thiếu tá Hồng thì Kosh đã bị thẩm vấn viên TC tát tai.         
***   Có lẽ không đúng là phi trường Peking, vì Peking ở hướng bắc Quảng Châu cách khoảng 1.800 km.

THAM KHẢO         
[1]Naval History and Heritage Command “Interview with Commodore Ho Van Ky Thoai” by Oscard P. Fitzgerald, 20 September 1975 (tài liệu này gồm 91 trang, khoảng 18 trang đề cập đến Hoàng Sa).
– [2]Dựa trên tài liệu tổng hợp từ Bộ Cựu Chiến binh/HK, Bộ Lục quân HK và BNG/HK Foreign           Relations.
– [3] Tài liệu CIA 016-74 tháng 1-1974.        
– [4] Điện văn số 1303 ngày 29/01/1974 từ USLO Peking gởi BNG/HK    
– [5] Điện văn số 010217 ngày 31/01/1974 từ  TĐS/HK/SG gởi BNG/HK 
[6] Tài liệu từ ban thẩm vấn Kosh tại phi trường Clark gởi về Tư lệnh Lực lượng HK/Thái Bình Dương trong 2 ngày 31 tháng 1 và 1 tháng 2 năm 1974.       
-[7]UBHS “Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974” 2010-USA

Nguồn: http://themsonha.blogspot.com/

Leave a comment