Phan Rang một Ngày Lịch Sử – Đào Như

16/06/2024

  • Đào Như

Ảnh mjnh hoạ

Khi tiếng ve sầu râm ran gọi vào Hè, khi những cành phượng vĩ trổ hoa nhuộm đỏ sân trường Tiểu học Phan Rang là lúc tâm hồn Trọng  bồn chồn nhớ về môt kỷ niệm khôn nguôi. Sau bao nhiêu năm trôi giạt qua nhiều thế hệ, qua nhiều đất nước, lãnh thổ, kỷ niêm ấy khômg bao giờ phai mờ trong ký ức của anh  

Sáng mai hôm ấy, một sáng mai của tháng 6 năm 1951, mùa thi bằng Tiểu Học-Primaire- được tổ chức hàng năm tại Trường Tiểu học Phan Rang-(École Primaire de PhanRang). Chương trình thi có tính cách giao thời, gồm có tiếng Việt lẫn tiếng Pháp – Thí sinh phải thi viết bài ám tả (chính tả) tiếng Việt và đồng thời phải thi viết bài bài ám tả bằng tiếng Pháp- Orthographe còn gọi là Dictée Francaise. Thí sinh năm ấy gần 100 người gồm có học sinh của các trường trong tỉnh và các thí sinh tự do. Sau khi thi 15 ngày, có buổi xướng danh như ngày xưa có buổi lễ xướng danh cho các tân khoa Tiến Sĩ… Năm đó thí sinh đậu 62 người, anh đậu hạng thứ 43.

Anh nhớ rõ buổi sáng hôm đó, anh đang chăm chú theo dõi viết bài bài thi Dictée Francaise do thầy Trương Thành Khuê đọc, bỗng nhiên ngửi thấy mùi cứt, cả lớp ngẩng đầu nhìn qua bệ cửa sổ thấy có 4 người tù đẩy một chiếc xe có hai thùng phân của nhà lao Phan Rang, theo sau là môt tên lính mang súng và tay cầm roi da.  Cả thầy Khuê và các bạn đều nhìn ra cha của anh, một trong 4 người tù ấy. Anh cúi xuống và tiếp tục viêt bài thi. Cuối giờ thi, nước mắt anh hoen ố bài Dictée. Thấy vậy thầy Khuê lấy tờ giấy chậm (buvard), chậm khô bài thi Dictée. Cha của anh cũng là giáo viên, có thời ông là bạn láng giềng thân thiết của thầy Khuê. Đến lúc ra về, các bạn Long Địch Trạnh, Trần Nhât Tân, Trần Văn Thì… đang đứng đợi anh bên ngoài véranda, các bạn đến an ủi và vổ về khích lệ khuyên anh cứ tiếp tục thi.

Những năm 45-50, những năm “tiêu thổ kháng chiến”, cha anh thoát ly gia đình theo kháng chiến vào năm 1949. Chưa đầy môt năm sau cha anh bị giặc Pháp bắt. Lúc ấy cha anh đã gần 50 tuổi, ông để râu dài.  Khi bắt được cha anh bọn giặc Pháp thoa xăng đốt râu cha anh ngay trước mặt các tù nhân.

Có điều lạ, ngày xướng danh Trọng đậu Primaire cũng là ngày cha anh được thả tù. Gặp lại cha, Trong ôm cha và khóc. Cha anh cảm động vỗ về: cha con mình gặp lại nhau trong ngày vui như thế này cũng tốt quá rồi. Có nhiều người còn khổ lắm con! Trọng sờ cằm cha, hỏi hàm râu của ba đẹp tại sao ba cạo nó? Cha anh thản nhiên trả lời: Không phải ba cạo mà chính tụi Tây nó thoa xăng đốt hàm râu của ba… Anh thật sư đau đớn đứng nhìn cha. Anh mường tượng lửa xăng bùng cháy thiêu đốt hàm râu và gương mặt của cha. Ông đau đớn biết là dường nào. Dường như đọc được ý nghĩ của anh, cha an ủi anh: Không đâu con, có nhiều người bạn của ba bất hạnh hơn ba nhiều! Họ bi tụi Tây Phòng Nhì (Deuxième Bureau) nó châm điện ngay trên đầu dương vật của họ khi bọn nó tra khảo họ. Họ đau đớn hơn ba biết là dường nào!  Khi được thả tù về họ hoàn toàn bị liệt dương!

Sau khi kể xong câu chuyện, cha anh cố giữ vẻ thản nhiên, nhưng, hình như ông đang rươm rướm nước mắt. Anh không hiểu có phải cha đau đớn khi nhớ lại bọn Tây thoa xăng đốt râu ông? Hay cha  anh đang chia sẻ nỗi đau của bạn bè ông khi họ bị bọn Tây Phòng Nhì châm điện trên đầu dương vật của họ?  

Bỗng nhiên cha anh bảo, trong chiến tranh loài người tàn ác với nhau – Nhưng chỉ có loài người mới biết tha thứ cho nhau. Đó cũng là lý do tại sao nhân loại vẫn tồn tại và phát triển đến tận hôm nay…/.

Đào Như

Ohio -May 23-2024

Nguồn: https://vietbao.com/a319311/phan-rang-mot-ngay-lich-su

Leave a comment