Giới thiệu lịch sử đại cương Luật Khoa Đại Học Đường SÀI GÒN

Luat Khoa Sai gonLUẬT KHOA ĐẠI HỌC ĐƯỜNG SÀI GÒN

Ngành Luật Khoa Việt Nam được chính phủ bảo hộ Pháp hình thành vào thập niên 1920 hay sớm hơn, khoảng 1918, vì nhu cầu cai trị một thuộc địa. Nhưng Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn đã chính thức được thành lập vào năm 1955, sau khi giành được độc lập, nhằm đào tạo các nhà trí thức có kiến thức luật học, cung ứng cho mọi ngành nghề của một quốc gia độc lập, có chủ quyền được thiết lập ở Miền Nam Việt Nam, sau Hiệp Ðịnh Geneve 1854 chia đôi đất nước.

Vì vậy, viết về lịch sử Trường Luật Sài Gòn, chúng ta cần phân chia làm hai thời kỳ, trước và sau khi Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn ra đời.

I/- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LUẬT KHOA ÐẠI HỌC ÐƯỜNG SÀI GÒN:

Thật vậy, trước năm 1933, chính quyền bảo hộ Pháp đã cho thành lập một trường luật lấy tên là Trường Cao Ðẳng Pháp Chính Ðông Dương( Ecole Supérieure D’Aministration Indochinoise) đặt trụ sở tại Hà Nội, nhằm đào tạo một tầng lớp quan lại người bản xứ, cung ứng cho guồng máy cai trị ba nước thuộc địa Ðông Dương là Việt, Miên, Lào. Người Việt thường gọi trường này là Trường Hậu Bổ. Từ năm 1933 trường được đổi tên thành Trường Cao Ðẳng Luật Học( Ecole Supérieure De Droit).

Những vị học sĩ tốt nghiệp những niên khoa đầu tiên có thể kể: LS. Vũ Văn Hiền, LS. Hoàng Cơ Thụy, LS. Trần Văn Trí( 1936); GS. Vũ Văn Mẫu tốt nghiệp năm 1938, GS. Vũ Quốc Thúc, GS. Nguyễn Cao Hách tốt nghiệp năm 1942. . . Ngoài ra có thể kể thêm một số vị tốt nghiệp trong các khoa đầu tiên này có tham chánh qua các chế độ chính trị tại Việt Nam như: LS. Vũ Văn Hiền, Bộ Trưởng Tài Chánh trong nội các Trần Trọng Kim thành lập năm 1945. LS. Phan Anh, Bộ Trưởng Thanh Niên chính phủ Trần Trọng Kim và năm 1946 là Bộ Trưởng Quốc Phòng, cùng Dương Ðức Hiền là Bộ Trưởng Thanh Niên trong chính phủ Hồ Chí Minh; Ông Trương Tử Anh sáng lập viên và Ðảng Trưởng đầu tiên của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng; Phan Mỹ là em LS. Phan Anh làm Governeur Militaire De Hà Nội năm 1946; Vũ Văn Mẫu là Bộ Trưởng Ngoại Giao chính phủ Ngô Ðình Diệm, từ chức năm 1963 và được Tổng Thống không dân cử Dương Văn Minh bổ nhiệm làm Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà chỉ 24 giờ trước khi Miền Nam sụp đổ; Võ Nguyên Giáp giữ nhiều chức vụ quân sự cũng như chính trị quan trọng trong chính phủ Hồ Chí Minh và sau này trong chế độ đương quyền Việt Nam, trước cũng như sau 1975. Một sinh viên người Pháp được ghi nhận là tốt nghiệp trong thời khoảng này là Groiss Jean, sau làm Giám Ðốc Hãng Bia Sài Gòn cho đến năm 1975.

Ðến năm 1938, Trường Cao Ðẳng Luật Học được nâng lên thành một Phân Khoa Luật(Faculté De Droit) tại Hà Nội trực thuộc Ðại Học Luật Khoa Ba Lê. Bắt đầu từ năm

học này, Ðại Học Ba Lê mới cử một số Thạc Sĩ tân tuyển như GS. Camelynck, Grégoire Khérian sang Hà Nội giảng dạy. . . Sau đó vì chiến tranh, khởi đi từ vụ Mỹ ném bom Hà Nội ngày 10-12-1944, tiếp đến Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, rồi chiến tranh Việt- Pháp bung nổ, Trường Luật cũng đã đi theo số phận nổi trôi của Ðất Nước và dân tộc, phải tạm ngưng hoạt động khoảng ba năm. Ðến năm 1947, khi Pháp trở lại Hà Nội, Trường Luật được mở cửa lại cho các sinh viên đang học giở dang được ghi danh tiếp tục học lại. Năm 1948, trường đã tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp khoá đặc biệt dành cho các sinh viên đang học năm thứ ba bị gián đoạn vì chiến tranh, trong số sinh viên tốt nghiệp khoá này có LS. Vũ Ngọc Tuyển. Trước khi Trường Luật mở cửa lại vào năm 1947, cùng thời gian này, một chi nhánh của Phân Khoa Luật Hà Nội được mở ở Sài Gòn vào năm 1946, trụ sở đặt ở số 17 Duy Tân Sài Gòn.

Trước năm 1954, GS. Grégoire Khérian là Khoa Trưởng Luật Khoa Hà Nội, kiêm nhiệm Giám Ðốc Trung Tâm luật Sài Gòn. Vào tháng 5-1951, GS. Vũ Quốc Thúc được cử làm Xử Lý Thường Vụ Giám Ðốc Trung Tâm Hà Nội thay thế một giáo sư người Pháp.. Ðến Tháng 6-1952, GS. Thúc qua Pháp thi lấy bằng Thạc Sĩ, trở về nước được bầu làm Khoa Trưởng kiêm Giám Ðốc Trung Tâm Hà Nội. Năm 1954, GS. Thúc tham gia nội các chính phủ Bửu Lộc, GS. Vũ Văn Mẫu được bầu làm Phó Khoa Trưởng thay thế GS. Thúc.

Sau Hiệp Ðịnh Genève năm 1954 chia đôi lãnh thổ, Trung Tâm Hà Nội di chuyển vào Miền Nam, sát nhập với Trung Tâm Sài Gòn, lấy tên là Phân Khoa Luật( Faculté De Droit) trực thuộc Viện Ðại Học Sài Gòn. Ngày 30-4-1955, cùng lúc thu hồi chủ quyền đất nước Trường Luật Của Chúng ta được khai sinh dưới tên Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn, hay thường gọi là Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn. Khoa Trưởng cuối cùng người Pháp là Khérian đã chuyển giao quyền quản trị trường luật cho các giáo sư Việt Nam. Các vị Khoa Trưởng sau đây đã lần lượt coi sóc Trường Luật của chúng ta: GS. Vũ Văn Mẫu(1955-1957), GS. Vũ Quốc Thúc( 1957-1963), GS. Nguyễn Cao Hách( 1963-1967),

  1. Nguyễn Ðộ( 1967-1971), GS. Bùi Tường Chiểu(1971-1973), GS. Vũ Quốc Thông (1973-1975).

Như vậy là GS. Vũ Quốc Thông đã là vị Khoa Trưởng cuối cùng của Trường Luật chúng ta, sau đúng 20 năm hoạt động( 30-4-1955 đến 30-4-1975). Trong khoảng thời gian này tiếng Việt được dùng để giảng dạy thay tiếng Pháp, nhưng chương trình giảng dạy căn bản vẫn theo chương trình giảng huấn và tài liệu giáo khoa tham khảo của các giáo sư Việt Nam vẫn là theo Ðại Học Ba Lê Pháp Quốc. Mãi sau này, khi trường luật có một số Giáo Sư tốt nghiệp từ Hoa Kỳ về giảng dạy, giáo trình, tài liệu giáo khoa mới được mở rộng thêm qua các trường luật của Hoa Kỳ.

Sự chuyển hoá nội dung chương trình giảng dạy cùng lúc với sự chuyển hoá trường ốc đã làm mất đi hình ảnh ngôi Trường Luật cổ kính, với biết bao kỷ niệm buồn vui của nhiều thế hệ cựu sinh viên luật khoa chúng ta; Thay vào đó, một cơ sở trường ốc kiến trúc tân kỳ ngay trên nền xưa đường cũ, chưa kịp hoàn thành, thì chế độ Dân Chủ còn non trẻ ở Miền Nam đã sụp đổ, kéo theo bao hoài bão, ước mơ của các thế hệ sinh viên sau ngày độc lập, mong muốn có cơ hội đem kiến thức luật học hấp thụ được từ Trường Mẹ, góp phần kiến tạo một chế độ Tự Do Dân Chủ đích thực cho Ðất Nước và Dân Tộc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

II/- CƠ CẤU TỔ CHỨC VA ÐIỀU HANH:

Sau ngày giành được độc , lãnh thổ qua phân, Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn, lúc đầu vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức và điều hành như đại học Luật khoa Ba Lê. Sau này có đôi chút thay đổi trong chương trình đào tạo khi một số Giáo Sư tốt nghiệp từ Hoa Kỳ về giảng dạy.

1/- Về trường sở và sĩ số sinh viên:

Sau khi Trung Tâm Hà Nội di chuyển vào Miền Nam đã sát nhập với Trung Tâm Sài Gòn thành Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn, có trường sở đặt tại số 17 đường Duy Tân Sài Gòn. Trường sở này nguyên là một trường Mẫu Giáo thời Pháp thuộc, được Bộ Quốc Gia Giáo Dục chính phủ Nam Triều thu hồi, cấp cho Phân Khoa Luật Hà Nội để mở một chi nhánh tại Sài Gòn vào năm 1946. Nay chính thức được dùng làm trường sở Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn.

Ngoài văn phòng Khoa Trưởng và phòng hành chánh , thư viện, lúc đầu trường chỉ vỏn vẹn có 4 giảng đường. Giảng đường lớn nhất chứa được khoảng 100 sinh viên. Mãi về sau này Trường mới được xây lại theo một kiến trúc tân kỳ có hai tầng lầu. Phòng hành chánh được đặt ở tầng trệt ngay phía cổng vào để tiện cho sinh viên ghi danh học. Một cầu tháng lớn dẫn lên một phòng lớn lầu trên, dùng làm nơi sinh hoạt hay tổ chức các buổi lễ qui tụ đông đảo sinh viên. Kế liền phòng này vào phía trong là một toà nhà có hai lầu, sắp theo hình vuông vây quanh một sân nhõ ở giữa.Một hành lang rộng, sinh viên có thể đi lại bốn xung quanh. Các phòng dưới đất dành làm giàng đường. Trên lầu kế cận với phòng sinh hoạt lớn vừa kể là phòng Khoa Trưởng và phòng Phụ Tá Khoa Trưởng ở phía trái,. Phòng ốc còn lại dùng làm lớp học. Thư viện được đưa lên lầu 2 và một số phòng ở tầng này được dùng làm lớp học. Một đại giảng đường đã được xây cất vào năm 1975 có sức chứa khoảng 300 sinh viên.

Về sĩ số sinh viên, vào khoảng cuối thập niên 1960 trở đi, sĩ số sinh viên ghi danh tăng nhanh. Năm 1970 đã có trên 13.000 ghi danh học bốn năm cử nhân luật. Hệ quả là con số sinh viên quá lớn so với khả năng trường ốc, với số phòng ít lại nhỏ hẹp, số giáo sư ít ỏi. Vì thế đã có thời gian phải mượn cả rạp Thống Nhất để giảng dạy cho sinh viên năm thứ 1&2. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973, cơ sở bán hàng PX của Mỹ có sức chứa khoảng 1000, đã có lúc được dùng làm giảng đường cho sinh viên năm thứ 1&2 ban cử nhân.

Cổng Luật Khoa ĐH Đường trên đường Duy Tân - Saigon Aug 23, 1964. SV Biểu Tình chống tướng Nguyễn Khánh

2/-Tổ chức:

Trường là một định chế đơn lập, nhưng lại là một phân khoa của Viện Ðại Học Sài Gòn. Vì vậy điểm quan trọng là Faculté được hưởng quy chế tự trị.

Trường Ðại Học Luật khoa Sài Gòn được tổ chức và điều hành bởi một Hội Ðồng Khoa (HÐK), với các Giáo Sư là thành viên, bầu ra Khoa Trưởng, Phụ Tá để điều hành công việc. Hội Ðồng Khoa quyết định chính sách, chương trình giảng dạy, tự tuyển Giáo Sư mà không có sự can thiệp của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Bên cạn Hội Ðồng Khoa là một Ban Hành Chánh do một Tổng Thư Ký điều hành.

Trường Ðại Học Luật khoa Sài Gòn tổ chức theo mô thức của Ðại Học Ba Lê, song có khác. Luật Khoa Sài Gòn có ba ban: Ban Công Pháp, Ban Tư Pháp và Ban Kinh Tế,

còn Luật khoa Ba lê thêm Ban pháp Chế Sử với hai môn chính Droit Romain và Ansien Droit( Luật Pháp Quốc trước cuộc cách mạng 1789) .

-Ban công pháp( Droit public) gồm các môn Luật Hiến Pháp( Droit constitutional), luật hành chánh( Droit administrtif) và luật công pháp quốc tế( Droit international public).

-Ban tư pháp( Droit privé) gồm các môn Dân Luật ( Droit civil), Hình luật ( Droit penal) luật thương mại(Droit commercial) và luật quốc tế tư pháp( Droit international privé)

-Ban kinh tế (Économie Politique) gồm các môn Phân Tích Kinh Tế ( Analyse economique), Lịch Sử Các Học Thuyết( Histore Des Doctrines) và Ðịa Lý Kinh Tế Phát Triển (Geographie Économique Development).

Cong LuatKhoa-DuyTan

Như vậy là Ðại Học Luật khoa Sài Gòn chỉ có ba ban, còn Luật khoa Ba Lê của Pháp có bốn ban. Vì ÐHLKSG thấy không cần thiết phải có Ban Pháp Chế Sử với các môn Luật La Mã và Cổ Luật Pháp. Tuy nhiên, có thêm môn Pháp Chế Sừ Việt Nam dạy ở năm thứ nhất, và đến giữa thập niên 1960, sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai phải học thêm môn Cồ Luật Việt Nam.

Về ban giảng huấn của ÐHLKSG từ ngày thành lập (1955) sau khi dành được độc lập từ tay thực dân Pháp, gồm các Giáo Sư sau đây:

Ban Công Pháp: GS. Vũ Quiốc Thông , Trưởng Ban và các Giáo Sư: Nguyễn Ðộ, Nguyễn Văn Bông, Lưu văn Bình, Lê Ðình Chân( Người đầu tiên trình luận án Tiến Sĩ tại Việt nam sau ngày độc lập), Tăng Kim Ðông, Trần Thị Hoài Trân, Nguyễn Xuân Lai, Nguyễn Văn Canh, Lê Quý Chi và giáo sư Trần Như Tráng.

Ban Pháp: Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, Trưởng Ban và các Giáo Sư: Bùi Tường Chiểu, LêTài Triển, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Huy Chiểu, Trần Văn Liêm, Nguyễn Quang Quýnh, Nguyễn Văn Thành, Vũ Tâm Tư, Nghiêm Xuân Việt, Vũ Thị Việt Hương, Ðặng Thị Tám và Hà Như Vinh.

Ban Kinh Tế: Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Thạc Sĩ Kinh Tế là Trưởng Ban và các Giáo Sư: Nguyễn Cao Hách, Mai Văn Lễ, Phan Tấn Chức,Châu Tiến Khương, Trần Thiên Vọng, Hồ Thới Sang, Nguyễn Hải Bình, Vũ Quốc Thùy, Phạm Văn Thuyết, Nguyễn Văn Ngôn, Tôn Thất Trung Nghĩa, Bùi Tường Huân và Trịnh Ðình Khải.

Ngoài ra nhà trường còn mời thêm một số vị Thẩm Phán, Chánh Án hay Luật Sư đến giảng dạy một số môn chuyên biệt, như cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Lương dạy môn Phạm Tội Học, Cụu Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành dạy môn Thông Tin Báo Chí, Cựu Thẩm Phán Mai Văn An dạy môn Luật Hàng Hải, Cựu Chánh Nhất Toà Thượng Thẩm Sài Gòn Nguyễn Huy Ðẩu dạy môn Dân Sự Tố Tụng, Cụu Chánh Án Phòng Toà Thượng Thẩm Sài Gòn Nguyễn Văn Hảo dạy môn Hình Sự Tố Tụng, Luât Sư Bùi Huy Sơn dạy môn Dân Sự Tố Tụng. Trường cũng mời một số Giáo Sư thuộc học viện Quốc Gia Hành Chánh đến giảng dạy, như GS Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn Chính Sách Ngoại Giao Các Quốc Gia Ðông Nam Á, GS. Tạ Văn Tài dạy môn Phương Pháp Khoa Học Xã Hội, GS. Nguyễn Quốc Trị dạy môn Hành Chánh Công Quyền. Một số Giáo Sư Pháp, Mỹ cũng được mời đến giảng dạy tại các Ban Cao Học Công Pháp và Tư Pháp.

II/- NÔI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ÐAO T O VA CHẾ ÐÔ THI CỬ:

1/-Trường và phân khoa:(École & Faculté)

Thông thường nếu là một trường thì đó là một cơ sở giáo dục mang tính chuyên nghiệp, có mục đích huấn luyện sinh viên về một ngành nghề với một quy chế gò bó hơn và có tính thực hành, như Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Trường KIến Trúc, Trường Sư Phạm, Trường Kỹ Thuật Quốc Gia Phú Thọ. . . Những sinh viên các trường này, sau khi tốt nghiệp sẽ hành nghề theo mục đích đào tạo chuyên nghiệp của mỗi trường.

Trong khi đó, sinh viên thuộc một phân khoa đại học( Faculté) thì được hưởng quy chế tự do và hành nghề tự do. Chương trình giảng dạy của các phân khoa thường thiên nhiều về lý thuyết, cung cấp kiến thức tổng quát rộng rãi hơn và sinh viên phải học nhiều môn hơn. Do đó, phân khoa luật cũng vậy, tốt nghiệp Cử Nhân hay Tiến Sĩ Luật, sinh viên có thể dùng kiến thức phục vụ trong nhiều ngành nghề khác nhau, như Thẩm Phán, Luật Sư, công chức hành chánh, ngoại giao, kinh tế, xã hội, quân sự, an ninh cảnh sát. . . Mặt khác, sinh viên phân khoa luật còn được chuẩn bị kiến thức căn bản cho việc nghiên cứu, tìm tòi để khám phá hay phát minh mới về bộ môn của mình. Do đó càng học lên cao, các phân khoa nói chung, phân khoa luật nói riêng, thường đặt nặng về phương pháp học, để giúp các sinh viên có thể tiếp tục học lên Ban Cao Học, với các công trình nghiên cứu chuẩn bị luận án Tiến Sĩ hay Thạc Sĩ như ngành luật của Pháp Quốc.

2/- Phân khoa và bằng cấp ( Faculté & Diplôme)

Dưới thời Pháp thuộc, phân khoa luật Hà nội chỉ cấp đến văn bằng cao nhất là Cao Học Luật( Diplôme D’ etudes Superieures De Droit hay DES), còn bằng Tiến Sĩ thì do Ðại Học Ba Lê cấp. Đây là Tiến Sĩ Quốc Gia và ờ Pháp còn có một loại văn bằng Tiến Sĩ giá trị thấp hơn gọi là Tiến Sĩ Ðại Học hay Tiến Sĩ Ðệ Tam Cấp. Các văn bằng Tiến Sĩ này có được thiết lập tại một số phân khoa khác của Ðại Học Việt Nam trước năm 1975, như Văn Khoa, Khoa Học. . . Sau khi giành được độc lập, Ðại Học Luật khoa Sài Gòn đã chỉ cấp phát văn bằng cao nhất là Tiến Sĩ Quốc Gia theo tiêu chuẩn của Ðại Học Ba Lê.

3/- Chương trình học:

https://ongvove.files.wordpress.com/2015/08/thesinhvien-luat_zps9d91ba13.jpg?w=648&h=486

Trước năm 1967, học trình Ban Cử Nhân Luật là 3 năm, chưa phân ban, các sinh viên đều học như nhau, khi tốt nghiệp đều được cấp phát văn bằng Cử Nhân Luật. Nếu tiếp tục lên Cao Học, sinh viên mới chọn ban ngành: Công Pháp, Tư Pháp hay Kinh Tế.

Từ sau năm 1967, học trình Ban Cử Nhân Luật là 4 năm. Hai năm đầu chưa phân ban, sinh viên học chung cùng một chương trình, với các môn học như sau:

-Cử Nhân Năm Thứ Nhất, sinh viên phải học 7 môn: Dân luật( Civl Law), Luật Hiến Pháp ( Constitutional Law), Kinh Tế Học ( Economics), Công Pháp Quốc Tế (International Public Law), Pháp Chế Sử( History of Law), Danh từ kinh tế Anh Ngữ( Economical Terminology In English) cà Danh Từ Pháp Lý( Justdical Terminology)

-Cử Nhân Năm Thứ Hai, sinh viên học 8 môn: Hình Luật ( Penal Law), Dân Luật (Civil Law), Bang Giao Quốc Tế( International Relations), Kinh Tế Học (Economics) Tài Chánh Công ( Finances), Luật Hành Chánh ( Administrational Law), Danh Từ Kinh Tế ( Economical Terminology In English ) và Luật Ðối Chiếu( Comparative Law In French).

Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, sinh viên sẽ ghi danh học theo ngành mình chọn, với các môn học chung và chuyên biệt, như Ban Kinh Tế sẽ học thêm các môn Thống Kê (Stagistic), Kinh Toán Học( Econometic). Sau 4 năm tốt nghiệp, sinh viên được cấp văn bằng Cử Nhân Luật ban công pháp, tư pháp hay kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, sinh viên có thể ghi danh tiếp tục học Ban Cao Học Luật hai năm theo ngành của mình, để đủ điều kiện trình luận án thi lấy bằng Tiến Sĩ Luật.

Nội dung tổng quát chương trình học của Ban Cử Nhân Luật có hai phần: Phần kiến thức ngoài luật học, như kinh tế học( Sinh viên phải học ít nhất 3 năm kinh tế), bang giao quốc tế, tổ chức quốc tế, học thuyết chính trị, đoàn thể áp lực, thông tin báo chí, tội phạm học, xã hội học và luật đối chiếu. Phần thuần túy luật học, như dân luật( Gồm ba phần chia làm ba năm: luật gia đình, khế ước & nghĩa vụ, tài sản), luật dân sự tố tụng, hình luật, hình sự tố tụng, luật thương mại, luật hiến pháp,công pháp quốc tế, quốc tế tư pháp, luật hành chánh, tố tụng hành chánh, các luật bảo hiểm, lao động,hàng hải, hàng không và luật an sinh xã hội. . .

Nội dung chương trình Ban Cao Học Luật được chia làm hai cấp: Cấp I và Cấp II.( DES.I & DES II). Sinh viên sẽ phải học một số môn chính đã học ở ban cử nhân, với tính cách như ôn lại những gì đã học rồi thâm cứu. Mỗi ban( công pháp, tư pháp , kinh tế) gồm 5 môn.

Chẳng hạn ban cao học công pháp, cao học I: Sinh viên phải học luật hành chánh, luật hiến pháp, quốc tế công pháp, dân luật và luật đối chiếu( Hệ thống của Pháp). Qua cao học I, bước lên cao học I I, sinh viên phải học các môn: Học thuyết chính trị, hành chánh công quyền, các tồ chức quốc tế, các vấn đề chính trị quốc tế đương thời, và luật đối chiếu( Hệ thống của Anh).

Tựu chung chương trình đào tạo của Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn chú trọng vào mục tiêu huấn luyện cho sinh viên về phương pháp giải thích luật pháp. Giáo sư thường đưa ra nguyên tắc, giải thích nguyên tắc ấy bằng sự biện luận lý thuyết và dựa vào các án lệ ứng dụng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có được một kiến thức tổng quát vững vàng, nhở đó có thể ứng phó với mọi hoàn cảnh hay trong phạm vi nghề nghiệp của mình.

4/- Chế độ thi cử:

Thông thường Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn mỗi năm có hai kỳ thi tháng 6 và tháng 9 cho các sinh viên ban cử nhân. Thí sinh phải thi viết 2 môn trong 7 môn chính, 5 môn còn lại thi vấn đáp.. trước ngày thi, thí sinh đến trường dự cuộc rút thăm hai môn thi viết.

Trong những năm cuối tập niên 1950 và đầu thập niên 1960, sinh viên chỉ rút thăm một môn, còn môn dân luật thì bắt buộc cho cả ba năm nên không rút thăm. Giáo sư phụ trách môn giảng dạy ra đề thi bỏ trong một phong bì gián kín. Vào ngày thi, giáo sư đem đề thi đến phòng Khoa Trưởng đánh máy và quay ronéo. Giáo sư Khoa Trưởng phân phát đề thi cho các giáo sư phụ trách đem đến phòng thi đễ đọc cho các thí sinh cùng một lượt. Thời gian thi viết là 3 giờ cho mỗi môn. Ðể bảo mật và sự công bằng, các bài thi của các thí sinh sau khi nộp đều được giám thị phòng thi ghi số mật mã trên phần lý lịch thí sinh và phần bài viết trước khi rọc phách, bỏ vào một phong bì ghi rõ số phòng, trung tâm và niêm lại. Bài sau khi giám khảo chấm xong sẽ được ráp phách lại để biết kết quả thí sinh có qua được các môn thi viết để vào vấn đáp hay không.. Những thí sinh đạt 10/20 điểm trở lên hai bài thi viết sẽ được vào thi vấn đáp. Kết quả này thường được niêm yết sau ngày thi viết 1 tháng. Thí sinh được vào vấn đáp sẽ phải thi vấn đáp tất cả các môn còn lại.

Bắt đầu từ năm 1967, ban cử nhân luật năm thứ nhất học 7 môn, năm thứ hai học 8 môn, năm thứ ba tùy theo ngành, cũng khoảng 10 môn, năm thứ tư 13 môn. Thí sinh phải đạt điễm trung bình mỗi môn là 10/20 mới được coi là trúng tuyển. Nếu có một môn bị điểm loại(4/20) thí sinh coi như rớt dù điểm trung bình có vượt quá điểm đậu là 10/20. Về sau có ân giảm về điểm loại cho các môn vấn đáp ban cử nhân. Sinh viên có thể được

bù điểm giữa các môn. Trong niên học, sinh viên bị rớt thi vấn đáp kỳ I , sẽ được thi lại vấn đáp kỳ I I mà không phải thi viết lại. Nếu rớt vấn đáp cả hai kỳ, năm sau thí sinh phải thi lại từ đầu. Riêng năm thứ tư là năm cuối ban cử nhân, sinh viên phải học 13 môn, chia làm 2 vấn đáp 1 và 2. Thí sinh chỉ được bù điểm giữa các môn trong cùng một vấn đáp. Ngoài ra, nếu trong kỳ thi thứ hai của năm học, thí sinh chỉ đậu một trong hai vấn đáp, năm sau được ân huệ chỉ thi lại những môn thuộc vấn đáp đã rớt, nhưng chỉ được thi lại một kỳ, nếu rớt sẽ phải thi lại từ đầu.các môn thi còn lại có cao đến đầu.

Ðối với thi cử của ban cao học, thí sinh phải thi viết môn học chính của ngành đã chọn( Công pháp, tư pháp hay kinh tế). Thời gian thi viết là 5 giờ. Vào vấn đáp thí sinh phải trả lời những câu hỏi liên quan đến phần tổng quát cũng như thâm cứu. Ngoài ra thí sinh còn phải nộp hai bài luận văn( Tiểu luận) trong mỗi cấp( Cao họcI và cao học II). Ðồng thời thí sinh còn phải đưa ra những luận cứ trước giáo sư chủ khảo để bảo vệ các luận điểm trong bài luận văn ấy.

Sau khi đã đậu hai cấp bằng Cao Học Luật, thí sinh có thể thỉnh xin một giáo sư bảo trợ cho một luận án lấy bằng tiến sĩ. Thường thì phải mất 4 năm hay lâu hơn mới hoàn tất một luận án tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn và giám sát của một vị giáo sư bảo trợ, mà sau này cũng là chánh chủ khảo. Giáo sư bảo trợ thường là một người biết rõ ứng viên về năng lực, kiến thức cũng như một vài yếu tố khác như nghiên cứu, sưu tầm có sáng tạo, có phương pháp khoa học. Một khi được chấp thuận đề tài, ứng viên phải đệ trình giáo sư bảo trợ, đề án với đầy đủ dàn bài, viết từng chương với đầy đủ chứng liệu tham khảo, phương pháp sưu tầm nghiên cứu. Giáo sư bảo trợ sau khi xem xét sẽ gửi luận án trở lại, kèm theo những lời phê yêu cầu ứng viên sửa chữa hay biện luận thêm để bảo vệ quan điểm của mình. Sau khi thấy ứng viên hoàn tất công việc và nếu xứng đáng giáo sư bảo trợ sẽ ấn định ngày Lễ Ðề Xuất và yêu cầu Khoa Trưởng cử hai giáo sư phụ khảo để xem trước luận án rồi mới quyết định tham dự việc chấm thi. Chánh chủ khào và hai vị phụ khảo hợp thành Hội Ðồng Giám Khảo Cuối cùng trong một buổi lễ đề xuất long trọng, thí sinh phải bảo vệ các luận điểm trong luận án trước ba vị giáo sư: một chánh chủ khảo và hai phụ khảo sát hạch. Sau đó, Hội Ðồng Giám Khảo họp kín, thảo luận và bỏ phiếu quyết định về luận án theo đa số. Như vậy, được trình luận án không hẳn là sinh viên ứng viên đương nhiên trở thành Tiến Sĩ Luật.

Về thi lấy văn bằng Thạc Sĩ, Luật Khoa Sài Gòn chưa cấp phát văn bằng nào cho sinh viên. Nhưng một số giáo sư của trường đã tốt nghiệp văn bằng Thạc Sĩ từ Ðại Học Ba Lê Pháp Quốc. Ðó là quý Giáo Sư: Nguyễn Quốc Ðịnh, Thạc Sĩ Công Pháp năm 1948, đã ở lại Pháp dạy học. GS Vũ Quốc Thúc, Thạc Sĩ Kinh Tế năm 1952. GS Vũ Văn Mẫu, Thạc Sĩ Tư Pháp năm 1953. GS Nguyễn Cao Hách, Thạc Sĩ Kinh Tế năm 1956. GS Nguyễn Văn Bông, Thạc Sĩ Công Pháp năm 1962( Nguyên Viện Trưởng Quốc Gia Hành Chánh). GS Vũ Quốc Thông, hàm Thạc Sĩ (Agregatif).

Thạc sĩ là cấp bằng để dạy học. Người Pháp định nghĩa AREGATION là kỳ thi tuyển chọn các giáo sư dạy đại học( Concours de reerutement de professeur d’enseignement superieur). Khi nói đến kỳ thi tuyển chọn, người ta hiểu rằng số chỗ dành cho các kỳ thi đó đã được ấn định trước. Do đó số người thi đậu trong các kỳ thi tuyển này phải có số điểm cao nhất trong danh sách tương ứng với số chỗ đã ấn định để được tuyển chọn. Thành ra, những thí sinh kế đó dù khả năng có thực sự giỏi đến đâu, vẫn bị loại. Ðây là những điều kiện để được thi tuyển lấy bằng Thạc Sĩ: Một là phải đã có văn bằng Tiến Sĩ; hai là phải đệ trình nhiều công trình khảo cứu có giá trị đã xuất bản; ba là

phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 2 năm; bốn là phải trải qua một kỳ thi viết kéo dài 7 giờ đồng hồ; năm là sau khi đậu kỳ thi viết, ứng viên phải dự kỳ thi vấn đáp dưới hình thức thuyết trình trước Ban Giám Khảo bốn kỳ liên tiếp. Mỗi kỳ phải đến trường thi gặp chủ khảo nhận đề tài và sau 24 giờ trở lại trình bầy đề tài trong 1 giờ đồng hồ, không được nhìn xuống giấy quá 3 lần trong suốt thời gian thuyết trình. Sáu là ứng viên nào đậu kỳ thi viết mà bị loãi sau bài thuyết trình đầu tiên thì được gọi là Admissible à l’ Argrégation hay Agrégatif( Như GS Vũ Quốc Thông, hàm Thạc Sĩ là vậy). Người nào bị loại sau hai hay ba bài thuyết trình kế tiếp, cũng được đậu dự khuyết, được xếp cuối danh sách, cững khó được tuyển dụng. Sau cùng, ứng viên vượt qua tất cả bốn bài thuyết trình vấn đáp, được gọi là Agrége De Droit( Thạc Sĩ).

Thi cử ở Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn trước năm 1975 rất khắt khe. Thời kỳ đầu, mỗi cuối niên học, sinh viên phải trải qua các kỳ thi trắc nghiệm sự hiểu biết về tất cả các môn học trong một kỳ thi duy nhất và phải đạt điểm trung bình 10/20 mới được chấm đậu. Sau này có sự cải tổ nên đã có hai kỳ thi mỗi năm học và chế độ thi cử bớt khắt khe hơn, song vẫn bảo đảm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có được một vốn kiến thức luật học căn bản vận dụng vào các lãnh vực của đời sống xã hội. Ðồng thời thúc đẩy cho sinh viên muốn giỏi và cầu tiến phải nỗ lực học tập thực sự. Những con số cụ thể về kết quả tốt nghiệp năm học cuối cùng của ÐHLK Sài Gòn có thể ghi nhận: năm 1970 số sinh viên ghi danh học năm thứ nhất Ban Cử Nhân là 13.000 sinh viên, bốn năm sau( 1974) số sinh viên tốt nghiệp cả hai khoá là 715. Sĩ số sinh viên Ban Cao Học I đã ít, lên đến Cao Học I I thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế suốt thời gian 20 năm giáo dục đảo tạo( 1955- 1975), Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn, chỉ đào tạo được một số ít ỏi Tiến Sĩ, nhiều năm học không có một văn bằng Tiến Sĩ nào được cấp phát. Có thể kể một số Giáo Sư đậu bằng Tiến Sĩ Luật Quốc Gia từ Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn nhu GS Nguyễn Văn Canh, Tiến Sĩ Công Pháp, GS Vũ Thị Việt Hương, Tiến Sĩ Tư Pháp, GS Nguyễn Văn Thành, Tiến Sĩ Tư Pháp, GS. Vũ Quốc Thùy, Tiến Sĩ Công Pháp(?). . .

Bài này được biên sọan theo tài liệu của Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, Tiến Sĩ Công Pháp, nguyên Phụ Tá Khoa Trưởng ( 1973-1975). Xin chân thành cảm ơn Giáo Cư Nguyễn Văn Canh đã bỏ nhiều công sưu tầm để có một tài liệu khá đầy đủ và trung thực về lịch sử Luật Khoa Ðại Học Ðường Sài Gòn, để lại cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi hy vọng Câu Lạc Bộ Luật khoa Việt nam khi có điều kiện sẽ phổ biến toàn bộ tài liệu này đến các cựu sinh viên Luật Khoa khắp nơi qua các phương tiện truyền thông.

Houston, ngày 4 thánh 11 năm 2002

CSVLK Nguyễn Văn Cung & CSVLK Nguyễn Văn Thắng (Thiện Ý)

Giới thiệu lịch sử đại cương Luật Khoa Đại Học Đường SÀI GÒN

 

Leave a comment